Bỏ phố lên rừng làm nông nghiệp sạch: Xu hướng hay giấc mơ?

Nhiều bạn trẻ ở các đô thị lớn nghĩ rằng cuộc sống quá nhiều áp lực nên lên rừng, về quê làm nông nghiệp sạch để cuộc đời an nhàn. Thực tế có phải như vậy?

Chị Nguyễn Tường Miên (bìa phải) chia sẻ với các bạn quan tâm nông nghiệp sạch tại TP.HCM. ẢNH: THÚY HẰNG


Thạc sĩ lên đà lạt làm vườn

Những ngày cuối năm 2018, một hội thảo nhỏ của các bạn trẻ TP.HCM về chủ đề “Nông nghiệp bền vững” nóng với sự xuất hiện của chị Nguyễn Tường Miên, 37 tuổi, tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học, Trường ĐH Mở TP.HCM, 16 năm trước lên Đà Lạt trồng rau, hoa trong khu vườn Tùng Hạ. Liên tiếp các câu hỏi dành cho chị Miên, nhiều lời xin được lên vườn, tình nguyện chăm sóc cây cối giúp Miên một thời gian.

Chị Miên chia sẻ, vườn Tùng Hạ cách TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) 17 km, rộng 4 ha, tuy nhiên có 2 ha là rừng bao quanh để đảm bảo hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, chỉ khai thác 1,5 ha. Chị Miên trồng rau gia vị, hoa oải hương (lavender) và hương thảo (rosemary) để chiết xuất tinh dầu hoàn toàn thủ công. Phương pháp trồng hoàn toàn hữu cơ, nguồn đất cách biệt với các trang trại khác trong vùng, không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, mới đây có dùng phân bón hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp, tưới bằng nước ngầm chảy ra từ lòng đất, không có mái che nhà kính hay ni lông. Chị Miên tự tay bắt sâu hoặc tận dụng các côn trùng thiên địch có lợi, để chim từ rừng thông bay sang ăn sâu...

Cần kiên nhẫn

Chị Miên cho hay, làm nông nghiệp tự nhiên bền vững vất vả, rủi ro cao hơn, nhất là vào mùa mưa đá, năng suất thấp hơn, thời gian đầu chị phải làm các việc khác nhau để duy trì cuộc sống. Phải mất 8 năm, Tùng Hạ mới giúp chị Miên và các bạn làm cùng sống được. Tuy nhiên, cái được lớn nhất của chị là sự hạnh phúc: “Mỗi sáng thức dậy, tôi được nghe tiếng chim hót, được nhìn trời đất, dự đoán thời tiết, chăm cây, bắt sâu, chơi đùa cùng đàn mèo...”.

Một bạn trẻ hỏi chị Miên: “Tôi từng biết một người đi trồng rau hữu cơ và sau đó phải bán một trái thận của mình để trả nợ vì gặp quá nhiều khó khăn, từ sản lượng, chất lượng nông sản, giá cả không cạnh tranh được, như vậy để làm nông nghiệp sạch, phải hết sức kiên trì?”. Chị Miên kể câu chuyện của chính mình: “Tôi từng cho thuê một khoảnh đất để người ta trồng củ cải, sau đó mất 5 năm không trồng gì, để hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật “bay” đi hết. Dù có kiến thức về nông nghiệp, nhưng khi bắt tay làm vườn, tôi không đi hỏi các giáo sư mà đều đến tận nơi hỏi người nông dân về khí hậu, cây giống. Phải kiên nhẫn vì những gì mình làm không thể có kết quả ngay sau 1, 2 năm được”.

Anh Huỳnh Trọng Quý, làm việc ở Công ty phân bón Huỳnh Lâm, cho rằng có thể không nhất thiết làm nông nghiệp hoàn toàn hữu cơ, nhưng quan trọng nhất mỗi người làm nông cần hiểu rõ nguyên tắc an toàn khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ví dụ dùng liều lượng bao nhiêu, sau bao nhiêu ngày sử dụng thì được phép thu hoạch…

Chị Nguyễn Tường Miên cho biết: “Làm nông nghiệp theo cách nào, là tùy vào triết lý của mỗi người, quan trọng nhất bạn cần hiểu rõ mục tiêu của mình là gì, khả năng tài chính ra sao, có thể để đạt được ước mơ của mình, bạn phải sống đơn giản hơn, giảm bớt ham muốn cá nhân...”.

Đừng ảo tưởng!

Chị Nguyễn Tường Miên thừa nhận, đang có một trào lưu của người trẻ là “bỏ phố lên rừng”, “bỏ phố về quê” làm vườn, vì các bạn trẻ đang chịu nhiều áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, môi trường khói bụi của thành phố... Từ đó nghĩ rằng tới những vùng đất mới như Đà Lạt cuốc đất, trồng rau sẽ thư thái hơn, an nhàn hơn. Tuy nhiên, chị Miên chia sẻ thẳng thắn: “Tôi tới Đà Lạt 16 năm trước, vì tôi yêu mảnh đất này và ngay từ đầu muốn làm vườn ở đây, chứ không phải tôi đi vì trốn chạy áp lực thành phố. Làm nông như tôi bây giờ cũng rất căng thẳng, áp lực, không hề an nhàn vì lo rất nhiều thứ, đất, nước, không khí, sâu bệnh...”.

Trong khi đó, ông Trần Nguyên Chí, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đang là điều phối viên, cung cấp giải pháp nông nghiệp (Công ty nông sản bền vững Sinh Lộc) cho rằng các bạn trẻ đừng nghĩ là làm nông phải có đất, phải trực tiếp cầm cái cuốc, cuốc đất, tưới rau mới là làm nông vì giá trị chất xám quan trọng hơn giá trị vật chất. “Tôi cũng đang làm nông nhưng không có một tấc đất cắm dùi. Bản chất nông nghiệp cần hiểu theo cái rộng, mỗi người có một điểm mạnh và nên phát huy. Ví dụ kỹ sư công nghệ thông tin có thể làm ứng dụng tưới cây, điều khiển, quản lý ruộng vườn từ xa. Nếu học về marketing thì nỗ lực quảng bá thực phẩm sạch, phát triển nông nghiệp sạch...”.

Theo Báo Thanh Niên
Loading...
Tags: tin-tuc

Đăng nhận xét

Tin liên quan