'Cái gì cũng có ở Đà Lạt, chỉ không còn rạp Hòa Bình'

Nếu khu Hòa Bình được khôi phục theo hiện trạng ban đầu thì đây chính là hiện thân "Đà Lạt phố" của gần 100 năm trước.

Hội trường Hòa Bình được xây dựng trên nền của ngôi chợ cũ Đà Lạt nhưng vẫn giữ nét kiến trúc khá tương đồng với chợ cũ. Ảnh: Tư liệu.

Tác giả Trương Ngọc Thụy - một người  sống lâu năm ở Đà Lạt, có bài viết chia sẻ sau khi nhà chức trách tỉnh Lâm Đồng công bố bản quy hoạch trung tâm thành phố Đà Lạt:


Mấy hôm nay đi đâu cũng nghe mọi người xôn xao về chuyện bản đồ quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt, trong đó nổi bật nhất là chuyện phá bỏ Rạp chiếu phim Hòa Bình và di dời Dinh tỉnh trưởng.

Đa phần người dân Đà Lạt lâu năm mà tôi có dịp tiếp xúc đều muốn Đà Lạt phát triển nhưng không đánh mất đi những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa đã gắn liền bao năm qua với đời sống của người dân cao nguyên Lâm Viên.

Là một người bình thường như bao người khác chắc rằng tiếng nói của tôi chẳng có trọng lượng gì khi mà mọi chuyện đã an bài. Nhưng sinh ra và lớn lên trong một gia đình đến lập nghiệp ở thành phố nhỏ bé này trên 90 năm nên trong tâm trí của tôi đã xuất hiện nhiều trăn trở từ ngày bản đồ quy hoạch được công bố.

Tôi không phải là kiến trúc sư hay nhà Đà Lạt học, tôi cũng không phải là người hoài cổ chậm tiến mà chỉ viết bài này bằng sự hiểu biết và tình cảm của mình.

Quay ngược dòng lịch sử từ khi bác sỹ A.Yersin phát hiện ra Đà Lạt, chúng ta đều thấy rằng sở dĩ Đà Lạt được người Pháp ưu ái xây dựng trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng thời đó bởi vì nơi này đã hội tụ nhiều yếu tố mà không có một thành phố nào ở Việt Nam hay Đông Dương có được.

Hội trường Hòa Bình cùng chợ mới Đà Lạt đã tạo thành quầng thể kiến trúc cho khu trung tâm Đà Lạt. Dãy phố cổ còn lại hiện nay nằm ngay sau lưng hội trường Hòa Bình. Ảnh: Tư liệu

Từ đó hàng ngàn ngôi biệt thự được mọc lên, rồi nhà cửa, cơ sở hạ tầng, giao thông... Dưới bàn tay khéo léo của người Pháp, Đà Lạt chuyển mình từ một cô sơn nữ phút chốc đã trở thành một giai nhân tuyệt sắc nhưng cho dù vậy vẫn không đánh mất đi nét đẹp hoang dã vốn có, một nét đẹp mà ông trời đã ưu ái ban tặng.

Chính người Pháp đã quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt với ngôi chợ Cây (sau này bị cháy và được thay bằng một ngôi chợ mới ngay trên chính vị trí đó) và những dãy phố sầm uất xung quanh, đa phần những dãy phố này lúc đó đều do người Hoa kinh doanh buôn bán.


Lật lại những bức ảnh cũ chụp khu trung tâm Đà Lạt giai đoạn 1930-1970 chúng ta có thể nhận thấy rằng tất cả những căn nhà xung quanh chợ cũ đều xây dựng theo một khuôn mẫu giống hệt nhau đó là: Mái ngói chữ A, có một trệt một lầu sàn bằng gỗ và một ban công nhỏ xây bằng gạch.

Hội trường Hòa Bình cùng chợ mới Đà Lạt đã tạo thành quầng thể kiến trúc cho khu trung tâm Đà Lạt. Dãy phố cổ còn lại hiện nay nằm ngay sau lưng hội trường Hòa Bình. Ảnh: Tư liệu.

Việc nhất quán về kiến trúc như vậy đã tạo nên một bộ mặt vô cùng sang trọng, đẹp đẽ cho Đà Lạt không khác gì những khu phố ở châu Âu là mấy.

Đến năm 1958 nhằm đáp ứng về nhu cầu phát triển của thành phố một ngôi chợ khang trang được xây dựng với nguồn kinh phí lên đến 40 triệu đồng thời bấy giờ.

"Một công trình kiến trúc vĩ đại" như lời một số báo trước đây đã viết khi chợ mới được khánh thành, bởi nó là ngôi chợ đẹp nhất miền nam Việt Nam. Khu chợ cũ được đập đi để xây dựng thành hội trường Hòa Bình.

Dù công năng sử dụng khác đi nhưng không phải ngẫu nhiên mà hội trường Hòa Bình lại có hình dáng bên ngoài cũng tương đồng như chợ cũ trước đó với một tháp cao phía bên phải.

Công trình này hợp cùng với chợ mới đã tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa ở khu trung tâm Đà Lạt. Như vậy có thể khẳng định rằng khu Hòa Bình là một khu phố cổ có lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của Đà Lạt.

Rạp Hòa Bình là công trình có giá trị về mặt kiến trúc và văn hóa nhất định, chứ không phải là "khối bê tông cũ nát" như nhiều người hiện nay cho rằng. Đưa vào sử dụng và khai thác tính đến hôm nay chưa được 60 năm, một quãng thời gian không nhiều cho một công trình xây dựng, chỉ bằng một nữa thời gian so với Nhà hát lớn Hà Nội hay Sài Gòn, nhưng đã bị xuống cấp như hiện nay, lỗi là do những người quản lý nó.

Tôn tạo và làm cho nó đẹp đẽ trở lại như thuở ban đầu, khôi phục và nâng cấp lại công năng sử dụng là việc làm không khó, không đòi hỏi mất quá nhiều kinh phí như việc đập bỏ đi và xây dựng một khu giải trí đa chức năng như bản quy hoạch vừa được công bố.

Dãy nhà cổ hiện nay có 2 căn số 4 và số 8 đã xây dựng lại, còn lại phần lớn đã xuống cấp do không có sự duy tu bảo dưỡng. Tiệm Cối xay gió là căn đầu tiên bên trái. Ảnh: Trương Ngọc Thụy

Nhưng quan trọng nhất là vẫn giữ được cái thần, cái hồn của Đà Lạt. Một khi hội trường Hòa Bình bị đập đi thì công trình chợ Đà Lạt còn lại sẽ trở nên lạc lõng vô cùng.

Một điều vô cùng đáng tiếc là những dãy phố cổ được xây dựng vào những năm 20-30 thế kỷ trước xung quanh khu Hòa Bình theo quy luật phát triển đã dần biến mất. Duy nhất chỉ còn lại một dãy nằm đối diện cà phê Tùng hiện do Nhà nước quản lý là tương đối nguyên vẹn dù đã bị xuống cấp do không có sự duy tu, bảo dưỡng.

Bức tường vàng Cối xay gió "thần thánh", điểm check-in đang hot của các bạn trẻ khắp cả nước cũng nằm ngay trong dãy phố này.

Tôi đếm cả dãy tất cả có 12 căn nhà, trong đó chỉ có hai căn được xây mới đã lâu, còn lại 10 căn vẫn còn y nguyên kiến trúc xưa.

Nếu dãy phố này được khôi phục lại theo hiện trạng ban đầu thì có thể nói đây chính là hiện thân "Đà Lạt phố" của gần 100 năm trước.

Dĩ nhiên câu hỏi được đặt ra là tiền đâu? Tôi tin chắc rằng nếu cho phép người dân hay nhà đầu tư được thuê dài hạn để ở hoặc kinh doanh những loài hình dịch vụ phù hợp với điều kiện phải sửa chữa và tôn tạo theo đúng thiết kế ngày trước thì số người xếp hàng nộp hồ sơ chắc phải dài cả ki-lô-mét.

Chỉ cần sơn phết lại đôi chút mà tiệm bánh "Cối xây gió" đã tạo ra hiệu ứng khủng khiếp như thế nào huống gì là nguyên cả một dãy phố xưa. Lên Bà Nà thấy người ta bỏ biết bao nhiêu tiền để cố gắng xây dựng những công trình mang dáng dấp châu Âu cổ nhằm thu hút khách du lịch.

Biết là "hàng giả" nhưng mọi người vẫn kéo nhau đến tham quan chụp ảnh thì sẽ hiểu ngay được giá trị vật chất và tinh thần của dãy phố cổ kiểu tây thật sự này.

Chỉ cần sơn sửa đôi chút, ngôi nhà đã có một bộ mặt khác hẳn. Ảnh: Trương Ngọc Thụy

Ca dao Việt Nam có câu: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" cho nên mọi việc cũng xuất phát từ sự khéo léo của bàn tay chúng ta sắp đặt và sử dụng chứ không phải là công trình đó to nhỏ, cũ mới thế nào.

Nhất là những công trình đã gắn liền với chiều dài của lịch sử Đà Lạt. Đập đi thì quá dễ, nhưng sau này dù có rất nhiều tiền chúng ta cũng thể nào mua lại được. Nhiều bạn trẻ hoặc là người Đà Lạt mới đến định cư không hiểu được giá trị của khu Hòa Bình nên vội vàng cho rằng nó quá cũ nát cần phải đập đi để xây cái mới là một suy nghĩ vô cùng sai lầm.

Nếu một công trình mới được mọc lên ngay trên hội trường Hòa Bình sau 50 năm nữa cũng cho rằng đã bị xuống cấp và cần phải dỡ bỏ để xây cái mới thì mãi mãi khu trung tâm Đà Lạt chỉ là một cái xác vô hồn về lịch sử.

Tại sao chúng ta không dung hòa giữa sự phát triển và bảo tồn văn hóa? Điều mà mọi quốc gia trên thế giới đều làm.

Xin mượn câu nói của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, khôi nguyên giải La Mã, người đã thiết kế những công trình nổi tiếng: Dinh Độc Lập, Chợ Đà Lạt, Viện nguyên tử Đà Lạt... khi nói về kiến trúc Đà Lạt để thay cho lời kết của bài viết: "...Với Đà Lạt, có thể nói trọn ý, người ta có thể đổ tiền ra xây nhà cao cửa rộng chứ không thể mua được khí hậu và má hồng. Trước thiên nhiên Đà Lạt, kiến trúc sư chỉ được phép góp phần điểm tô cho thiên nhiên đó. Đà Lạt là một thành phố cao nguyên, địa hình uyển chuyển, mềm mại. Vì vậy kiến trúc sư phải đi theo thiên nhiên, tuân thủ những đường nét của thiên nhiên, không được phá vỡ bố cục của tạo hóa...".


Trương Ngọc Thụy (Vnexpress)
Loading...

Đăng nhận xét

Tin liên quan