Giải mã tên Cầu Ông Đạo tại Thành phố Đà Lạt gần ấp Ánh Sáng

Tại sao lại có tên Cầu Ông Đạo?

Khi hỏi nhiều bạn trẻ về cái tên cầu “ông Đạo” Đà Lạt ?
- Có người cho rằng đây là “cầu ông Trần Hưng Đạo”
- Cũng có người đoán già đoán non, “ông Đạo” là tên riêng của một người nào đó
- Tên Đạo có dấu ấn với thành phố Đà Lạt...?
Đó là những câu trả lời mập mờ, mơ hồ của bao lữ khách hay chính những người trẻ sinh ra và lớn lên trên vùng đất này...
Hãy cùng vác lên vai chiếc ba lô “kí ức”, quấn chiếc khăn len bà đan tận tụy hồi nớ, mặc thêm cái áo Pardessus dày cộm... trở về Đà Lạt thuở người Pháp cho đắp đập ngăn dòng suối Lát để tạo nên một hồ nhân tạo - Grand Lac (Hồ lớn).


Phạm vi hồ lúc bấy giờ chỉ kéo dài đến Thủy Tạ và Quán hướng đạo cũ. Đến năm 1923, chính quyền ngày đó xây thêm một đập ngăn tạo thành 2 hồ, vừa là con đường chạy từ bùng binh cây xăng Kim Cúc băng qua đến bùng binh Đinh Tiên Hoàng và Võ Tánh sau này (chỗ cầu Ông Đạo ngày nay lúc bấy giờ là khu dân cư ấp Ánh sáng)
Hình Đà Lạt những năm trước đây

Năm 1927, một cơn bão lớn quét qua thành phố, con đập lớn trên dòng suối Cam Ly và đập nối từ bùng binh cây xăng Kim Cúc băng qua Đinh Tiên Hoàng bị vỡ, một số bà con bị nước lũ cuốn trôi.

Trước tình hình đó, từ năm 1934 đến năm 1935, kỹ sư Trần Đăng Khoa được ông Trần Văn Lý – Quản đạo Đà Lạt (1935-1940) lúc bấy giờ giao thiết kế một cây cầu bắc ngang qua để vào chợ Hòa Bình, bỏ cây cầu chỗ bùng binh từ Thủy Tạ. Dòng nước ở dưới cầu chảy qua ấp Ánh Sáng, để đổ vào thác Cam Ly.
Cầu Ông Đạo ngày nay
Và vì cây cầu này do ông QUẢN ĐẠO Trần Văn Lý đề xướng xây dựng cho dân, nên dân chúng quen gọi là “Cầu Ông Đạo”.

(Có tài liệu cho rằng: Ông Phạm Khắc Hòe là người đặt tên cho chiếc cầu này là không chính xác. Bởi vì ông Phạm Khắc Hòe lúc đó chưa bổ nhiệm là Quản đạo Đà Lạt. Mãi đến năm 1940, ông Phạm Khắc Hòe mới nhậm chức)

Đăng nhận xét

Tin liên quan